Trang chủ Tin tức - Sự kiện Hình ảnh hoạt động LIÊN HỆ
      CÁC CHUYÊN MỤC
       Thông tin cần biết 
       Liên kết Web 

       Hình ảnh hoạt động 
Xu hướng toàn cầu đến năm 2025 dưới góc nhìn của các nhà dự báo Mỹ
24.07.2009 16:17

Dưới tiêu đề: “Xu hướng toàn cầu 2025: Một thế giới đã thay đổi” là bản báo cáo của Trung tâm nghiên cứu chiến lược trực thuộc Chính phủ Mỹ (NIC) ngày 21/11/2008, đệ trình lên Tổng thống và Giám đốc Tình báo Quốc gia, các cơ quan hoạch định chính sách vĩ mô của Mỹ. Đây được coi là “bảng chỉ dẫn” cho Chính quyền của Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma. Báo cáo đã đưa ra những quan điểm về tương lai của thế giới đến năm 2025

Thế giới đa cực hình thành, vai trò của Mỹ thuyên giảm

Báo cáo khẳng định, năm 2025, Mỹ vẫn sẽ là tác nhân đơn độc quan trọng nhất nhưng không còn giữ được vị trí thống trị thế giới như trước. Tuy Mỹ vẫn duy trì lợi thế quân sự đáng kể nhưng những bước tiến về khoa học và công nghệ, việc các nước khác sử dụng “chiến thuật chiến tranh phi truyền thống”, tình trạng phổ biến vũ khí chính xác tầm xa và ngày càng gia tăng các cuộc tiến công mạng “sẽ hạn chế đáng kể quyền tự do hành động của Mỹ”.


“Hệ thống đa cực toàn cầu” sẽ nổi lên, đặc biệt đánh dấu bằng sự trỗi dậy của các nước: Braxin, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc cùng một số nước khác (BRIC). Tuy nhiên, Trung Quốc và Ấn Độ dường như tập trung nhiều vào việc phát triển trong nước hơn là thay đổi hệ thống quốc tế. Báo cáo cho rằng, không một nước nào trong số các nước BRIC có thể thách thức được vị trí hiện nay của Mỹ như theo cách mà người Đức và Nhật đã làm trong thế kỷ XIX và XX. Vì vậy, hệ thống quốc tế được thiết lập sau Thế chiến thứ 2 sẽ “không thể hiện diện” vào năm 2025. Tuy nhiên, hệ thống đa cực đang nổi lên sẽ có xu hướng không ổn định do Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản tranh giành ảnh hưởng, thị trường và nguồn năng lượng. Điều này đồng nghĩa với việc vai trò hiện nay của Mỹ như một tác nhân cân bằng trong khu vực sẽ có tầm quan trọng lớn hơn hiện nay, kể cả khi sức mạnh của Mỹ bị giảm sút.  


Bất chấp tình trạng gia tăng chủ nghĩa chống Mỹ gần đầy, Oa-sinh-tơn sẽ vẫn giữ vai trò là “người cân bằng khu vực rất cần thiết” ở Trung Đông và châu Á. Mỹ sẽ đóng vai trò đáng kể trong việc sử dụng sức mạnh quân sự để đối phó với chủ nghĩa khủng bố quốc tế và được đánh giá là tác nhân quan trọng tiến tới những giải pháp cho vấn đề thay đổi khí hậu. Chính sách của Mỹ được dự báo sẽ phụ thuộc rất lớn vào quá trình phát triển tại những nước quan trọng, đặc biệt là Trung Quốc và Nga.


Sức mạnh kinh tế chuyển dịch từ Tây sang Đông, từ châu Âu và Bắc Mỹ sang châu Á

Theo báo cáo của NIC, trong hai thập kỷ tới, vẫn diễn ra xu hướng theo đó, sự thịnh vượng và sức mạnh kinh tế toàn cầu dịch chuyển từ phương Tây sang phương Đông, từ châu Âu và Bắc Mỹ sang châu Á. Xu hướng này được đánh giá “chưa có tiền lệ trong lịch sử hiện đại”. Với mức thâm hụt thương mại liên tiếp trong nhiều năm, từ năm 2001, Mỹ đã chuyển cho Trung Quốc 1,2 tỷ USD. Điều này không chỉ giúp Trung Quốc trở thành nước có nguồn dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới mà còn hỗ trợ ngành công nghiệp Trung Quốc phát triển và tạo cho Bắc Kinh nguồn cung cấp công nghệ mới vững chắc. Braxin, Nga, Trung Quốc và Ấn Độ được xem là những nước có thể được hưởng lợi và tăng cường sức mạnh khi giá dầu và hàng hoá tăng cao. Báo cáo cũng dự báo sự dịch chuyển nhà máy sản xuất và một số ngành dịch vụ sang châu Á.


Báo cáo cũng cho rằng, không có nước nào có thể phát triển đến trình độ như Trung Quốc, Ấn Độ hay Nga và cũng không nước nào vươn tới vị thế quan trọng như vị thế những nước này trên trường quốc tế. Trong hai thập kỷ tới, Trung Quốc được đánh giá đóng vai trò quan trọng trên thế giới hơn bất cứ nước nào khác. Nếu xu thế hiện nay được duy trì, vào năm 2025, Trung Quốc là nước có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và quân đội của họ sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng hơn.


Mặc dù có thể có sự nổi lên của một nước nào đó, nhưng vẫn không đủ sức tác động đối với sự nổi bật của các nước đông dân như Trung Quốc và Ấn Độ, những nước có nền kinh tế phát triển cao cũng có thể đóng vai trò quan trọng trên trường quốc tế. Chẳng hạn, Iran, Inđônêxia và Thổ Nhĩ Kỳ có thể làm được điều đặc biệt trong việc tạo ra những mô hình mới trong các nước Hồi giáo. Trong khi đó, đối với Nga, việc duy trì vị trí trong nhóm các nước dẫn đầu như họ từng đạt được sau cuộc trỗi dậy ấn tượng vào cuối những năm 1990 và đầu thế kỷ XXI, được dự báo là công việc vô cùng khó khăn.


Châu Á với nhiều triển vọng, châu Phi khó thoát khỏi đói nghèo

Báo cáo của NIC chỉ tập trung vào các khu vực bất ổn trên thế giới như Trung Đông, Trung Á và châu Phi mà chưa đề cập rõ nét đến châu Á. Tuy nhiên, những xu hướng được đề cập trong báo cáo của NIC được đánh giá có tác động sâu sắc đối với Đông Nam Á, trong đó quan trọng nhất là những thay đổi có thể nhìn thấy trong tình hình địa chiến lược của châu Á. NIC dự báo, đến năm 2025, hệ thống đơn cực do Mỹ thống trị hiện nay sẽ chuyển thành hệ thống đa cực. Động lực thúc đẩy quá trình chuyển đổi này là sự trỗi dậy của Trung Quốc và Ấn Độ và đến năm 2025, hai quốc gia này sẽ trở thành cường quốc. Với việc trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, sau Mỹ, Trung Quốc cũng sẽ là nước nhập khẩu nhiều nhất nguồn tài nguyên thiên nhiên và thậm chí gây ô nhiễm nhiều hơn mức hiện nay. NIC cho rằng, thay vì cạnh tranh với các mô hình dân chủ và thị trường tự do của phương Tây, các nước đang phát triển có thể ngày càng bị cuốn hút bởi mô hình kinh tế trong đó nhà nước đóng vai trò chủ đạo. Ấn Độ sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới với khả năng quân sự được tăng cường đáng kể. Quan hệ đối tác giữa ấn Độ và Mỹ sẽ được củng cố để đối trọng với Trung Quốc nhưng Niu Đê-li sẽ tránh thiết lập liên minh chính thức với Oa-sinh-tơn.


Triển vọng với Nhật Bản không được sáng sủa như vậy. Với lực lượng lao động và nguồn thu từ thuế giảm sút, Nhật Bản sẽ trở thành một “cường quốc bậc trung tốp trên”. NIC cho rằng, chính sách ngoại giao của Nhật Bản chủ yếu chịu ảnh hưởng từ chính sách của Mỹ và Trung Quốc. Báo cáo còn đưa ra 4 triển vọng trong quan hệ Nhật Bản - Trung Quốc thời gian tới, trong đó dự báo khả năng Nhật Bản có vũ khí hạt nhân và ký Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) với Trung Quốc. Có thể diễn ra theo 4 kịch bản sau:


Một là, nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục phát triển, Trung Quốc sẽ đẩy mạnh quan hệ với Nhật Bản, hai nước tiếp tục duy trì quan hệ hữu nghị. Trung Quốc sẽ trở thành thị trường quan trọng cho hàng hoá Nhật Bản và Nhật Bản có thể đề nghị ký Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) với Trung Quốc. Tuy nhiên, trong lĩnh vực an ninh, do lo ngại việc Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân sự, Nhật Bản sẽ duy trì quan hệ mật thiết với Mỹ và liên minh với Hàn Quốc.


Hai là, quan hệ Trung - Nhật có xu hướng xấu đi, theo đó công cuộc phát triển kinh tế của Trung Quốc bị kiềm chế hoặc Nhật Bản tự cho là bị Trung Quốc uy hiếp. Do vậy, Nhật Bản sẽ liên minh với các nước và khu vực khác, sử dụng vũ khí thế hệ mới để tăng cường sức mạnh quân sự; đồng thời với sự hậu thuẫn của Mỹ, Nhật Bản sẽ thúc đẩy chính sách cô lập Trung Quốc về chính trị và kinh tế.


Ba là, Nhật Bản tiếp cận Trung Quốc. Trong quan hệ đồng minh an ninh Mỹ - Nhật, nếu sự tham gia của Mỹ yếu đi hoặc Nhật Bản cảm thấy sự tham gia của Mỹ yếu đi, Nhật Bản có thể dựa vào Trung Quốc trong những vấn đề khu vực. Trong bối cảnh đó, với việc bảo đảm an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương xung quanh Nhật Bản, vai trò của Trung Quốc ở khu vực trong lĩnh vực an ninh sẽ trở nên quan trọng hơn.


Bốn là, quan hệ Trung - Mỹ trong lĩnh vực an ninh, chính trị trở nên đặc biệt mật thiết. Điều này có nghĩa Mỹ sẽ ghi nhận sự hiện diện quân sự của Trung Quốc trong khu vực, đồng thời điều chỉnh hoặc cắt giảm lực lượng Mỹ đồn trú ở khu vực xung quanh Trung Quốc. Nhật Bản không còn cách lựa chọn nào khác, chỉ có thể “thuận theo chiều gió, dựa vào Trung Quốc”. Hàn Quốc và một số nước ASEAN cũng phải như vậy. 


Theo bản báo cáo, diễn biến quan hệ Trung - ấn sẽ đặt ra những thách thức nghiêm trọng đối với Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Cụ thể, những lo ngại chiến lược của Trung Quốc và ấn Độ về an ninh đường biển và quyền tiếp cận các nguồn năng lượng sẽ tạo động lực cho cuộc chạy đua vũ trang trên biển. Cuộc cạnh tranh giữa lực lượng Hải quân hai nước sẽ diễn ra tại vùng biển Ấn Độ Dương, Biển Đông và những điểm nóng trên vùng biển chiến lược của khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là Eo biển Ma-lắc-ca. 


Trong khi đó, nhu cầu chưa thoả mãn về nguồn năng lượng sẽ thôi thúc Trung Quốc khai thác những mỏ năng lượng ngoài khơi những vùng nước sâu. Điều này có thể làm gia tăng căng thẳng giữa Trung Quốc và một số nước ASEAN đang đòi chủ quyền ở khu vực Biển Đông. Báo cáo cho rằng, một Trung Quốc theo chủ nghĩa dân tộc và ngày càng hùng mạnh có thể khiến các nước láng giềng Đông Nam Á phải làm theo ý của Bắc Kinh nhiều hơn.        


Tác động của vấn đề thay đổi khí hậu đối với Đông Nam Á vào năm 2025 dường như rất nghiêm trọng. Tình trạng khan hiếm nguồn nước sẽ tác động không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp, dẫn đến làn sóng di cư gia tăng sang Ôxtrâylia.  


Tình trạng tan băng ở Bắc cực có thể mở đường cho việc hình thành các tuyến đường vận chuyển dọc Hành lang Tây Bắc vào mùa hè năm 2013. Việc rút ngắn khoảng cách vận tải đường biển giữa Bắc Thái Bình Dương đến Bắc Đại Tây Dương sẽ là lợi thế đối với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc nhưng sẽ là bất lợi cho các hải cảng ở Đông Nam Á, đặc biệt là Xin-ga-po. Tuy nhiên, tình trạng khan hiếm nguồn nước sạch sẽ giúp Xin-ga-po tận dụng được lợi thế là nước cung cấp hàng đầu công nghệ làm sạch nước. 


Báo cáo của NIC hoan nghênh tiến trình ASEAN + 3, có sự tham gia của 10 nước ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, là một thể chế toàn châu Á đáng chú ý, sẽ thúc đẩy hội nhập kinh tế lớn hơn, bảo vệ khu vực trước bất ổn tài chính toàn cầu và tạo cho Đông Á một vị thế lớn hơn trên trường quốc tế.


Châu Phi vẫn sẽ là khu vực dễ bị tổn thương nhất trước tình trạng sụp đổ kinh tế, dân số tăng cao, xung đột dân sự và bất ổn chính trị. Khu vực này sẽ trở thành nơi cung cấp chủ yếu các mặt hàng thiết yếu để đáp ứng nhu cầu thế giới ngày càng tăng. Tuy nhiên, người dân địa phương không được hưởng lợi về kinh tế mà chính phủ tham nhũng sẽ thu lợi


Nguy cơ thiếu lương thực và nước sạch ngày càng gia tăng

Ngân hàng Thế giới ước tính, nhu cầu lương thực sẽ tăng 50% vào năm 2030 do dân số thế giới gia tăng. Số lượng các nước không được tiếp cận với nguồn cung cấp nước ổn định sẽ tăng từ 21 nước, tương đương khoảng 600 triệu dân, lên 36 nước vào năm 2025, ảnh hưởng đến khoảng 1,4 tỷ dân.  


Do nước ngày càng trở nên khan hiếm ở châu Á và Trung Đông, hợp tác về quản lý các nguồn nước đang thay đổi sẽ trở nên khó khăn hơn trong nội bộ một nước và giữa các nước.


Nếu lãnh đạo thế giới quyết định rằng, tiếp cận các nguồn năng lượng đóng vai trò chủ yếu trong duy trì ổn định trong nước, trong tình huống xấu nhất, xung đột giữa các nước có thể xảy ra.


Chủ nghĩa khủng bố tàn lụi, nguy cơ vũ khí hạt nhân tăng cao

Chủ nghĩa khủng bố sẽ vẫn tồn tại vào năm 2025 nhưng sức hút của lực lượng này sẽ giảm nếu tăng trưởng kinh tế được duy trì và tỷ lệ lao động trẻ thất nghiệp ở Trung Đông giảm sút. Năm 2025, lực lượng khủng bố sẽ bao gồm các nhóm được xem là hậu duệ của những lực lượng đã được thiết lập từ lâu và những phần tử cấp tiến mới nổi lên do bất mãn và bị tước quyền công dân. Một trong những mối lo ngại lớn nhất về vấn đề này là việc các phần tử khủng bố sẽ sử dụng các tác nhân sinh học, hay thiết bị hạt nhân để gây thương vong hàng loạt. Tuy nhiên, mạng lưới An Kê-đa sẽ bị suy sụp “sớm hơn người ta nghĩ” do mất uy tín trong thế giới Hồi giáo.


Nguy cơ về việc sử dụng vũ khí hạt nhân trong 20 năm tới, mặc dù vẫn còn rất thấp, nhưng dường như sẽ cao hơn mức hiện nay. Những va chạm cường độ thấp hiện nay giữa Ấn Độ và Pakixtan có thể dẫn đến cuộc xung đột rộng hơn. Khả năng về việc thay đổi hay sụp đổ chế độ ở một quốc gia có vũ khí hạt nhân chẳng hạn như Bắc Triều Tiên làm gia tăng các vấn đề liên quan đến khả năng của các nước yếu nhằm kiểm soát và bảo đảm kho vũ khí hạt nhân của họ. Báo cáo cho rằng, việc Iran sẽ sở hữu vũ khí hạt nhân là “điều không thể tránh khỏi” và do lo ngại về một Iran có vũ khí hạt nhân, các nước khác sẽ thúc đẩy các thoả thuận an ninh mới, thậm chí tự trang bị vũ khí hạt nhân. Theo báo cáo của NIC, thời kỳ xung đột cường độ thấp đang được hình thành dưới cái ô hạt nhân có thể dẫn đến tình trạng leo thang bất ngờ và xung đột rộng hơn nếu ranh giới đỏ giữa các nước liên quan không được thiết lập chặt chẽ. Do vậy, sẽ có những thay đổi địa chiến lược quan trọng với việc một số nước tìm kiếm liên minh an ninh với những cường quốc hiện đã có sức mạnh hạt nhân, một số nước khác lại thúc đẩy quá trình giải giáp hạt nhân toàn cầu./.

 

(Nguyễn Nhâm & Lê Thành - Tạp chí Kinh tế và Dự bạo )




(Theo » Tổng hợp thông tin dự báo kinh tế các nước)

_FRIEND1

 Bản để in  Lưu dạng file  Gửi tin qua email


Những bản tin khác:



Gửi tin
Lên đầu trang
 TIN MỚI 
 SẢN PHẨM 
 Văn bản pháp quy tỉnh 
 Học tập theo Bác Hồ 

 Bài hát về Lệ Ninh 
 Dành cho quảng cáo 
 Thăm dò dư luận 
Bạn đánh giá thế nào về các sản phẩm của Công ty?

 Chất lượng tốt, mẫu mã đẹp
 Sản phẩm đa dạng
 Bình thường
 Không tốt
 khác



Kết quả
Những thăm dò khác

Bình chọn: 2
Thảo luận: 0
 LƯỢT TRUY CẬP 
    
 Quảng cáo 

BẢN QUYỀN THUỘC VỀ: CÔNG TY CỔ PHẦN LỆ NINH
Địa chỉ: Thị trấn Nông trường Lệ Ninh - Huyện Lệ Thủy - Tỉnh Quảng Bình
Điện thoại: 0232. 3996211 - Fax: 0232. 3996211
Email: leninhqb2412@gmail.com